Quy hoạch điện VIII - từ nghị quyết của Đảng đến tầm nhìn quốc gia và cam kết quốc tế: Bài 1: Bước đột phá năng lượng xanh

Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, tiếp cận xu thế thời đại, hướng tới năng lượng xanh..

Từ Nghị quyết của Đảng đến cam kết quốc tế mạnh mẽ

Ngày 11-2-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết chỉ rõ: "Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hoá thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia; ưu tiên phát triển điện khí, có lộ trình giảm tỉ trọng điện than một cách hợp lý; chủ động nhập khẩu nhiên liệu từ nước ngoài cho các nhà máy điện. Phân bổ tối ưu hệ thống năng lượng quốc gia trong tất cả các lĩnh vực trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, địa phương.

Đảng ta xác định: "Về năng lượng tái tạo: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện; khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế. Sớm nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tiềm năng và xây dựng định hướng phát triển năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thuỷ triều, hải lưu; triển khai một số mô hình ứng dụng, tiến hành khai thác thử nghiệm để đánh giá hiệu quả. Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.

-Về các nguồn năng lượng khác: Kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan để nghiên cứu, phát triển trong điều kiện cho phép về tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nguồn nhân lực, khả năng tài chính và những yếu tố cần thiết khác....".

Chia sẻ về ý nghĩa của Nghị quyết 55, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, (hiện là Trưởng ban Kinh tế Trung ương) Trần Tuấn Anh đã khẳng định: Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị được ban hành có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là đúng thời điểm bởi năm 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm cũng như chiến lược xây dựng kế hoạch phát triển đất nước trong 10 năm tới.

Đây cũng là thời điểm kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, toàn cầu hóa bước vào giai đoạn quyết liệt. Bên cạnh đó, phải kể đến sự phát triển của đất nước trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã thực sự vượt qua các nước kém phát triển, trở thành nước đang phát triển. Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế; trong đó có các ngành công nghiệp, Việt Nam cũng đang bắt đầu chuyển biến và trở thành nước phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu bởi năng lượng sơ cấp phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và được khai thác ở mức rất cao.

Trong bối cảnh đó, chúng ta phải có chiến lược mới về năng lượng, được đặt chung trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để có những quyết sách và giải pháp đảm bảo yếu tố bền vững không chỉ cho an ninh năng lượng quốc gia mà còn có liên quan đến an ninh quốc gia, địa chính trị…

Một vấn đề khác cần đề cập tới là Chiến lược này đưa ra khi mà trình độ phát triển của chúng ta đang được nâng cao, nhưng các khung khổ luật pháp, quy định, chính sách sau thời gian phát huy hiệu quả đã này sinh bất cập, tồn tại, cản trở sự phát triển năng lượng và an ninh năng lượng, bền vững của đất nước.

Hơn bao giờ hết, an ninh năng lượng và năng lượng quốc gia rất cần những quan điểm, định hướng mới phù hợp với chuyển biến chung của toàn cầu để từ đó có thể định hình phát triển đất nước.

Còn đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam cho rằng, trong một thời gian dài, chúng ta theo đuổi triết lý “phải phát triển nguồn công suất phát điện”, nhưng loay hoay mãi chưa đạt được kỳ vọng. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ra đời trong bối cảnh này đã “cởi” được nút thắt đó.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, có hai vấn đề lớn được nêu ra trong Nghị quyết 55 khiến khu vực tư nhân “nức lòng”. Đó là: Tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia vào phát triển năng lượng, đây là sự khẳng định rất mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ về sự không phân biệt thành phần kinh tế nào, miễn là có đủ năng lực. Và, đã tháo gỡ tất cả những rào cản về độc quyền, cản trở khối tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng.

Có thể khẳng định: Nghị quyết 55 là một quyết sách đúng đắn, sâu, rộng; thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước phù hợp với tiến trình hội nhập toàn cầu.

Ngày 1/11/2020, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26 tại TP. Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong phát biểu của mình, Thủ tướng khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận và truyền thông quốc tế. Trong bài báo ra cùng ngày, hãng thông tấn Reuters đăng tiêu đề nổi bật về cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. "Việt Nam đang hướng đến trung hòa phát thải carbon vào năm 2050, gia nhập hàng ngũ với nhiều quốc gia khác đã cam kết ngừng phát thải vào giữa thế kỷ này hoặc sau đó nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu".

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại một hội nghị bàn tròn bên lề COP26, cũng khẳng định Việt Nam sẽ bắt tay vào cắt giảm sản lượng nhiệt điện than, đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất phát điện từ gió và năng lượng mặt trời lên 31-38 gigawatt vào năm 2030.

TS Nguyễn Ngọc Huy, Cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu (BĐKH), Tổ chức Oxfam đánh giá: Cam kết đưa phát thải ròng CO2 về “0” vào năm 2050 sẽ là động lực để Chính phủ và người dân cùng hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế đi kèm với bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và hướng đến một nền kinh tế nhân văn, lấy con người làm trung tâm và không bỏ ai lại phía sau như phát biểu của Thủ tướng tại COP26. Chúng ta cũng sẽ có cơ hội để tiếp cận với các công nghệ xanh và nguồn tài chính xanh để đầu tư cho các giải pháp hướng đến nền kinh tế carbon thấp từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn dài hạn đến năm 2050.

Thêm vào đó, Việt Nam đã có sẵn các chiến lược quốc gia, khung chương trình, dự án quốc gia để đón đầu các nguồn đầu tư xanh từ quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta có nguồn tài nguyên về năng lượng tái tạo dồi dào như nắng, gió, sóng biển, đất trồng rừng và nguồn nguyên liệu sinh khối từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Với việc thay đổi công nghệ, thay đổi cách làm, tăng cường giám sát, Việt Nam có thể thực hiện được một phần lớn mục tiêu trong cam kết.

Tổng quan về nguồn điện và lưới điện ở Việt Nam hiện nay

Theo báo cáo của Bộ Công Thương tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch điện VIII do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì ngày 15/4 vừa qua, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 10,7%/năm, giai đoạn 2016-2020 đạt 9,6%/năm (riêng năm 2020 chỉ đạt 3,36% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19).

Tiêu thụ điện tập trung chủ yếu tại miền Bắc và miền Nam, chiếm tới 90% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Miền Trung chiếm tỉ lệ thấp, khoảng 10%. Tỷ trọng tiêu thụ điện của miền Bắc có xu hướng tăng dần (39,2% năm 2011, 44,1% năm 2020), miền Nam có xu hướng giảm dần tỷ trọng tiêu thụ điện (51,1% năm 2011, 47% năm 2020).

Tính tới cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt các loại hình nguồn điện của hệ thống điện quốc gia đạt 69.342 MW, trong đó miền Bắc 25.121 MW (36,2%), miền Trung 12.323 MW (17,8%) và miền Nam 31.898 MW (46%). Về cơ bản, hệ thống điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải của toàn quốc.

Quy hoạch điện VIII – bài toán chiến lược cấp bách: Bài 1: Bức tranh tổng thể điện lực quốc gia
Công trình Thủy điện Sơn La

Điện gió, điện mặt trời phát triển mạnh

Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số các dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch là 175 dự án với tổng công suất 19.126 MWp (tương ứng khoảng 15.400 MW ac). Các dự án được bổ sung quy hoạch tập trung chủ yếu tại miền Trung và miền Nam (chiếm tới trên 96%). Phần lớn các dự án điện mặt trời do Bộ Công Thương quyết định bổ sung quy hoạch đã đi vào vận hành. Các dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch đưa vào vận hành khoảng 42% (4.617/11.179 MW). Hiện nay, còn khoảng 41 dự án/6.083 MW đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và chưa đưa vào vận hành sẽ được xem xét, đánh giá tính khả thi trong thời gian tới đây.

Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã phê duyệt danh mục nguồn và lưới điện đấu nối cho 11.741 MW/188 dự án điện gió. Khoảng 99% các dự án điện gió (187 dự án/11.621 MW) được bổ sung quy hoạch tập trung tại khu vực miền Trung và miền Nam, chỉ khoảng 1% tập trung tại khu vực miền Bắc.

Hệ thống điện Việt Nam hiện đang vận hành với nhiều cấp điện áp từ hạ áp (0,4 kV) đến trung áp (6-35 kV), cao áp (110, 220 kV) và siêu cao áp (500 kV). Tới cuối năm 2020, cả nước có 8.527 km đường dây 500 kV, 18.477 km đường dây 220 kV, 37 trạm biến áp 500 kV/tổng dung lượng 42.900 MVA, 136 trạm biến áp 220 kV/tổng dung lượng 67.824 MVA. Ngoài ra, có 866 trạm biến áp, 24.318 km đường dây 110 kV, 360.000 km lưới điện trung áp, 350.000 km lưới điện hạ áp, đảm bảo cung ứng điện cho 28,94 triệu khách hàng, 100% số xã, 99,47% số hộ dân (99,18% số hộ dân nông thôn).

Đánh giá chung về phát triển nguồn và lưới điện cho thấy: Về cơ bản, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải cực đại của toàn quốc nhưng mức độ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống chưa cao (9,06% vào mùa mưa và khoảng 8,16% vào mùa khô); sự chênh lệch mức dự phòng khả dụng giữa các miền khá lớn.

Nhiều nguồn điện xây dựng chậm tiến độ; phát triển nguồn điện chưa phù hợp với sự phân bố phụ tải. Tăng trưởng nguồn điện tại miền Bắc thấp hơn so với tăng trưởng công suất cực đại (9,3% so với 4,7%); tăng trưởng nguồn điện tại miềnTrung và miền Nam cao hơn nhiều so với tăng trưởng công suất cực đại.

Cơ cấu nguồn điện phân bố không đều tại các miền (miền Bắc chủ yếu là nhiệt điện than, miền Trung chủ yếu là thủy điện và miền Nam chủ yếu là nhiệt điện khí).

Lưới điện vận hành còn nhiều khó khăn, một số khu vực lưới điện 220 kV và 110 kV vẫn còn xuất hiện tình trạng đầy và quá tải lưới điện, chưa đáp ứng tiêu chí N-1 về độ tin cậy nên tiềm ẩn rủi ro trong việc vận hành an toàn hệ thống điện. Tốc độ phát triển lưới điện phát triển chậm hơn so với tốc độ phát triển nguồn điện, đặc biệt là chưa đồng bộ với các nguồn năng lượng tái tạo khiến một số nguồn điện năng lượng tái tạo bị cắt giảm công suất phát…

Quy hoạch điện VIII – bài toán chiến lược cấp bách: Bài 1: Bức tranh tổng thể điện lực quốc gia

Điện mặt trời tính đến năm 2020

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xây dựng nguồn điện trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 28.479 MW trên tổng công suất quy hoạch dự kiến là 35.483 MW, đạt 80%. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện quy hoạch của các nguồn điện lớn (than, khí) đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh cung cấp điện và là nguồn điện chạy nền đạt thấp (63%), dẫn tới thiếu hụt nguồn cấp và tỉ lệ dự phòng công suất của hệ thống thấp.

Điện mặt trời thực hiện vượt cao hơn nhiều so với quy hoạch đặt ra (gần 8.700 MW điện mặt trời quy mô trên 1 MW đã vào vận hành tới năm 2020 so với dự kiến khoảng 700 MW đề ra trong Quy hoạch), tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Tỷ lệ thực hiện quy hoạch các công trình lưới điện gồm có Trạm biến áp 500 kV và 220 kV lần lượt là 88,8% và 90,6% và đường dây 500 kV và 220 kV lần lượt là 77,6% và 73,9%. Vận hành lưới điện còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro vận hành vào các thời điểm cao điểm.

Hiện nay phát triển nguồn điện mất cân bằng giữa các vùng miền. Nhiều nguồn điện khu vực miền Bắc chậm tiến độ dẫn tới tình trạng thiếu hụt công suất nguồn điện vào một số thời điểm. Năng lượng tái tạo phát triển nóng tại cuối kỳ quy hoạch tại miền Trung và miền Nam. Cơ sở hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng được yêu cầu vận hành an toàn, tin cậy. Tỷ lệ thực hiện phát triển lưới điện 500 kV so với quy hoạch đạt 72,2%, lưới điện 220 kV đạt 80% nên lưới điện tại một số khu vực xuất hiện tình trạng đầy và quá tải lưới điện trong vận hành.

Quy hoạch điện VIII – bài toán chiến lược cấp bách: Bài 1: Bức tranh tổng thể điện lực quốc gia

Quy mô nguồn điện Việt Nam xếp thứ 23 thế giới và là điểm sáng về năng lượng tái tạo

Theo báo cáo của Bộ công Thương, kết quả thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã bảo đảm được cân đối lớn về an ninh năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2020. Cung cấp điện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng cải thiện.

Quy mô nguồn điện của Việt Nam năm 2020 tăng gần 2 lần so với năm 2015, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và đứng thứ 23 thế giới. Hệ thống điện phát triển theo hướng hiện đại và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) phát triển mạnh, từng bước góp phần vào việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện.

Đầu tư hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước với gần 100% số hộ dân (99,47%) được cung cấp từ lưới điện quốc gia. Cơ sở hạ tầng điện lực này càng hiện đại, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm đáng kể trong giai đoạn 2016-2020, vượt kế hoạch đề ra.

Các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành điện ngày càng đa dạng giúp giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách cho phát triển điện lực. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từng bước được quan tâm và mang lại kết quả tích cực (hệ số đàn hồi điện/GDP giảm từ 1,84 lần giai đoạn 2011- 2015 xuống 1,44 lần giai đoạn 2016-2020).

Có thể nói, việc thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh và chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, đặc biệt là sự đột phá về chính sách đã giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng trên thế giới về phát triển NLTT, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Bởi nếu nhìn lại cả giai đoạn trước năm 2017, NLTT tại Việt Nam gần như chưa phát triển, dù cũng có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đăng ký hàng trăm dự án.

Không phải ngẫu nhiên mà Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti đã từng nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong công cuộc chuyển đổi NLTT, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.

Ngay trong năm 2021, trang energyvoice.com dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất của Tổ chức IHS Markit (Anh) cho thấy Việt Nam và 2 quốc gia khác là Australia, Nhật Bản đang dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Một số vấn đề trong thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh

Mặc dù đã đạt được những kết quả to lớn, song Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại trong thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh như:

Phát triển hệ thống điện chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực sẵn có. Phát triển nguồn điện có lúc chưa sát phân bố và phát triển phụ tải, tạo sức ép lên lưới truyền tải liên miền (từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc).

Một số nguồn điện lớn chậm tiến độ kéo dài gây thiếu nguồn điện chạy nền cho hệ thống điện. Nguy cơ thiếu hụt cung cấp điện cao trong trung và dài hạn (theo đánh giá, nếu tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh, miền Bắc có thể thiếu điện từ năm 2022, miền Trung và Nam thiếu điện giai đoạn 2024-2025).

Mức dự phòng công suất khả dụng của hệ thống khá thấp, chưa đáp ứng tiêu chuẩn vận hành chung của hệ thống điện, gây khó khăn cho công tác vận hành (một số thời điểm đã phải sa thải phụ tải tại khu vực miền Bắc). Phát triển nóng các loại hình điện gió, mặt trời (tập trung ở miền Trung, miền Nam); tính đồng bộ trong phát triển nguồn và lưới điện còn hạn chế, không kịp giải tỏa công suất nguồn điện.

Điện năng sản xuất từ nguồn nhiệt điện than (nguồn phát thải nhiều khí CO2) chiếm tỉ trọng lớn (khoảng 50% tổng điện năng sản xuất). Nguồn điện này phát thải nhiều khí CO2 và cần phải được hạn chế phát triển nhằm đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Phát triển lưới điện truyền tải chưa đi trước một bước để phát huy hiệu quả các nguồn điện; lưới điện chưa được đầu tư kịp thời, dự án triển khai kéo dài, chậm tiến độ dẫn tới tình trạng quá tải cục bộ, vận hành gặp khó khăn, chưa đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật của hệ thống.

Hiệu quả khai thác và sử dụng điện còn chưa cao (hệ số đàn hồi điện là 1,44 lần giai đoạn 2016-2020 vẫn cao hơn hệ số đàn hồi của các nước ASEAN ước tính khoảng 1,36 lần) do phát triển kinh tế vẫn dựa vào các ngành công nghiệp có mức thâm dụng năng lượng lớn.

Giá điện chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư vào ngành cũng như thúc đẩy, tạo động lực cho các hoạt động sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Cơ cấu nguồn điện có tỉ lệ các nhà máy điện than còn cao, tiềm ẩn nguy cơ làm tăng phát thải khí CO2, ảnh hưởng tới môi trường.

Quy hoạch điện VIII – bài toán chiến lược cấp bách: Bài 1: Bức tranh tổng thể điện lực quốc gia

Bài toán cấp bách

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặt vấn đề, đây là một quy hoạch khó, vì phải giải bài toán tổng hợp các yếu tố: đặt nguồn điện ở đâu, vừa tính toán lượng hao hụt khi phải truyền tải điện đi xa, vừa phải bảo đảm phụ tải, bảo đảm giá thành hợp lý, đồng thời phải thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 "đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

"Nếu đưa vào quy hoạch nhiều quá thì sau này sẽ gây lãng phí, hiệu quả khai thác của các nhà máy sẽ thấp", Phó Thủ tướng lấy ví dụ. "Sản xuất điện ra với giá thành thấp nhưng vận chuyển xa thì dẫn tới hao hụt, cộng thêm chi phí đường dây cũng như rủi ro khi có sự cố như thiên tai".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai: Lập Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Tại phiên giải trình về an ninh năng lượng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đặt ra vấn đề cần phải sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII bởi nhu cầu điện cho sinh hoạt và sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế ngày càng tăng. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam bằng 0. Đây là nội dung cần phải được thể hiện trong Quy hoạch điện hướng tới phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và bền vững. Đây cũng chính là nội dung được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, những nội dung yêu cầu này sẽ được thể hiện như thế nào trong Quy hoạch điện VIII.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý một vấn đề là nhu cầu đăng ký của các doanh nghiệp, các địa phương rất lớn, đến năm 2030 đăng ký quy hoạch khoảng gần 520.000 MW, gấp khoảng 3,5 lần dự kiến tổng công suất đặt hệ thống điện quốc gia năm 2030. Tuy nhiên, với tinh thần "đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết", bảo đảm an ninh năng lượng, khoa học, hiệu quả, Quy hoạch không thể đáp ứng được hết các yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương với số lượng đăng ký lớn như vậy.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, so với các phương án đã trình trước đây, dự thảo lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than trong thời kỳ quy hoạch. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen.

Đặc biệt, cơ cấu nguồn điện và phân bổ không gian phát triển có nhiều thay đổi so với trước đây. Hệ số dự phòng trước đây là 1,93 thì bây giờ là 1,54, qua đó, sẽ tiết giảm vốn đầu tư xã hội. Trên cơ sở phân bổ vùng hợp lý hơn, tiết kiệm đầu tư đường dây khoảng 13 tỷ USD.

Tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000 MW, giảm khoảng 35.000 MW so với phương án đã trình ngày 26/3/2021.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tính đến bài toán kinh tế trên phạm vi cả nước chứ không chỉ vùng, địa phương. Khi đề xuất quy hoạch, các địa phương chủ yếu căn cứ vào điều kiện tự nhiên, thuận lợi của địa phương mình mà chưa tính toán được các ràng buộc tổng thể về liên kết vùng, hiệu quả kinh tế tổng thể quốc gia. Trong khi đó, cách tiếp cận của Bộ Công Thương theo phương pháp tổng thể, vừa từ dưới lên nghĩa là quan tâm tới đề xuất của địa phương để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và vừa từ trên xuống nghĩa là cân đối để tối thiểu hóa chi phí toàn hệ thống, cân đối vùng miền, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: “Nếu làm quy hoạch khung định hướng với Quy hoạch điện VIII thì nếu quy hoạch chi tiết đến từng danh mục thì khâu tính toán của Bộ Công Thương sẽ rất nặng nề. Do đó, các nội dung của Quy hoạch điện VIII còn cần bàn bạc, rà soát kỹ lưỡng".

(Còn nữa)

Nhóm PV
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Quy hoạch điện VIII

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Sắp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

Sắp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024 (ASEAN BIS 2024) sẽ diễn ra tại Vientiane, Lào trong 4 ngày, từ ngày 8-11/10/2024.
55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024):Giá trị, ý nghĩa và tầm vóc thời đại

55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024):Giá trị, ý nghĩa và tầm vóc thời đại

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quốc bảo của dân tộc, hội tụ tất cả tinh hoa truyền thống dân tộc và thời đại, hàm chứa triết lý nhân sinh và văn hóa chính
Sửa quy định về miễn kiểm tra chất lượng hàng hoá, không để doanh nghiệp gian lận

Sửa quy định về miễn kiểm tra chất lượng hàng hoá, không để doanh nghiệp gian lận

Theo Bộ Tài chính, quy định về các trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng còn thiếu cơ sở áp dụng dẫn tới khả năng doanh nghiệp có thể lợi dụng để gian lận.
Chứng minh người nộp đơn

Chứng minh người nộp đơn 'biết' hoặc 'có cơ sở để biết' trong các vụ việc đăng ký nhãn hiệu

Việc chứng minh người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đã "biết” hoặc “có cơ sở để biết" đến nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu đích thực là không đơn giản.
Cơ sở pháp lý và cách tiếp cận để giành lại nhãn hiệu bị đăng ký với dụng ý xấu

Cơ sở pháp lý và cách tiếp cận để giành lại nhãn hiệu bị đăng ký với dụng ý xấu

Đăng ký nhãn hiệu giúp tạo ra quyền độc quyền nhưng việc nộp đơn nhằm tước đi lợi ích của chủ nhãn hiệu đích thực là vi phạm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Tin cùng chuyên mục

Bày tỏ tình cảm tiếc thương Tổng Bí thư là đáng quý nhưng cần tỉnh táo!

Bày tỏ tình cảm tiếc thương Tổng Bí thư là đáng quý nhưng cần tỉnh táo!

Cộng đồng mạng đã và đang chia sẻ một bài thơ được cho là Tổng Bí thư viết tặng vợ nhưng thực chất là giả mạo. Vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần: Sự mất mát để lại niềm tin gắn kết

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần: Sự mất mát để lại niềm tin gắn kết

Trái tim lớn đã ngừng đập, song sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một niềm tin và tinh thần gắn kết của dân tộc Việt Nam.
Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5 có gì mới và đặc biệt?

Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5 có gì mới và đặc biệt?

Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững” sẽ diễn ra từ ngày 24 - 27/9/2024.
Công bố Ngày truyền thống 2/10/1945: Dấu mốc phát triển mới của Báo Công Thương

Công bố Ngày truyền thống 2/10/1945: Dấu mốc phát triển mới của Báo Công Thương

Ngày 18/6/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương có Quyết định số 1599/QĐ-BCT công nhận ngày 2/10/1945 là Ngày truyền thống của Báo Công Thương.
Ứng dụng công nghệ mới tăng cường nội lực, tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt

Ứng dụng công nghệ mới tăng cường nội lực, tạo thế bứt phá cho doanh nghiệp Việt

Việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đề xuất lùi thời gian xây dựng và ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi

Đề xuất lùi thời gian xây dựng và ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, nhiều đại biểu quốc hội và chuyên gia đã đề xuất lùi thời gian xây dựng và ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Diễn đàn Quốc tế về kinh doanh sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh có gì hấp dẫn?

Diễn đàn Quốc tế về kinh doanh sáng tạo tại TP. Hồ Chí Minh có gì hấp dẫn?

Dự kiến ngày 12/6/2024, tại TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Diễn đàn Quốc tế về kinh doanh sáng tạo - International Innovative Business Forum (IIBF) 2024.
Hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng GDP: Đòi hỏi sự ứng biến phù hợp!

Hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng GDP: Đòi hỏi sự ứng biến phù hợp!

Là điểm sáng trong bức tranh không sáng của kinh tế thế giới, tuy nhiên tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi sự ứng biến phù hợp.
Chuyển đổi số trong ngành logistics: Chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức

Chuyển đổi số trong ngành logistics: Chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức

Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đối diện nhiều khó khăn, chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức.
Khai mạc Diễn đàn ACCA châu Á – Thái Bình Dương tại Hà Nội

Khai mạc Diễn đàn ACCA châu Á – Thái Bình Dương tại Hà Nội

Trong 2 ngày (28-29/5), Diễn đàn ACCA châu Á – Thái Bình Dương do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về cách mạng 4.0: Các địa phương đã đạt được thành tựu gì?

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về cách mạng 4.0: Các địa phương đã đạt được thành tựu gì?

Với nhận thức đúng đắn, triển khai quyết liệt, nhiều địa phương đã đạt được kết quả tích cực sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 52 về cách mạng công nghiệp 4.0.
Vì sao nắng nóng tiêu thụ điện kỷ lục, điện mặt trời, điện gió dư thừa nhưng không là giải pháp?

Vì sao nắng nóng tiêu thụ điện kỷ lục, điện mặt trời, điện gió dư thừa nhưng không là giải pháp?

Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, nhu cầu điện phá vỡ mọi kỷ lục trước đó song điện mặt trời, điện gió dư thừa vẫn không phải là giải pháp. Vì sao?
Điện mặt trời 0 đồng và câu chuyện “thầy bói xem voi”

Điện mặt trời 0 đồng và câu chuyện “thầy bói xem voi”

Câu chuyện điện mặt trời 0 đồng vẫn chưa hết "nóng" và đang có cách hiểu, góc nhìn khác nhau. Vì sao?
Diễn đàn Horasis Trung Quốc 2024: Thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư và phát triển bền vững

Diễn đàn Horasis Trung Quốc 2024: Thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư và phát triển bền vững

Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024 tạo cơ hội để thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc và thế giới.
Cải thiện môi trường kinh doanh để "giữ chân" nhà đầu tư

Cải thiện môi trường kinh doanh để "giữ chân" nhà đầu tư

Không chỉ đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam, nhiều nhà đầu tư quốc tế còn bày tỏ mong muốn được tiếp tục rót vốn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024

Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024

Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 bên cạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công,thu hút FDI, đầu tư tư nhân phải kể đến nông nghiệp và xuất khẩu...
Nhận diện thách thức tăng trưởng kinh tế năm 2024 và giải pháp

Nhận diện thách thức tăng trưởng kinh tế năm 2024 và giải pháp

Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị, kinh tế thế giới vẫn hiện hữu, tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Cân nhắc bổ sung dịch vụ nền tảng số trung gian cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

Cân nhắc bổ sung dịch vụ nền tảng số trung gian cung cấp dịch vụ thương mại điện tử

VCCI có văn bản góp ý liên quan đến nội dung Dịch vụ nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Thủ tướng thăm và làm việc tại Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary

Thủ tướng thăm và làm việc tại Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary

Chiều 19/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary.
Thương hiệu TP. Hồ Chí Minh - Đổi mới và bền vững hướng ra thị trường quốc tế

Thương hiệu TP. Hồ Chí Minh - Đổi mới và bền vững hướng ra thị trường quốc tế

Muốn tiến ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần chuẩn bị hành trang từ việc xây dựng thương hiệu mạnh đến triển khai chiến lược tiếp cận thị trường bài bản.
Xem thêm
Mobile VerionPhiên bản di động