Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia

Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công Thương
Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia

Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ Công Thương và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan do Chính phủ thành lập trong hệ thống tổ chức của Bộ Công Thương có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng và trụ sở chính đặt tại TP. Hà Nội.

Các đơn vị trực thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia bao gồm: Văn phòng; Ban Bảo vệ người tiêu dùng; Ban Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Ban Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh được thành lập 3 phòng; Trung tâm Thông tin, Tư vấn và Đào tạo.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp:

1, Thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh

Tiêu chí hoạt động của Ủy ban là tạo lập và duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh với cơ hội kinh doanh bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp trên thị trường. Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến khích và thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, qua đó đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, sự phát triển khoa học công nghệ và tiến bộ xã hội.

2, Bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng trước những hành vi hạn chế cạnh tranh

Ủy ban có nhiệm vụ điều tra các vụ việc liên quan đến các hành vi làm giảm, bóp méo và cản trở cạnh tranh trên thị trường. Cụ thể, Ủy ban có nhiệm vụ tổ chức điều tra các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường và kiểm soát hiệu quả các hoạt động tập trung kinh tế. Sau khi kết thúc điều tra, Ủy ban chuyển báo cáo điều tra và kiến nghị lên Hội đồng Cạnh tranh hoặc cấp có thẩm quyền xem xét xử lý vụ việc.

3, Chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia nỗ lực hạn chế và loại bỏ hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn, xâm phạm bí mật kinh doanh, gièm pha hoặc gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, Quảng cáo, khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh, bán hàng đa cấp bất chính,v.v… nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, Ủy ban có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm.

4, Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Ủy ban chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để thực hiện trách nhiệm này, Uỷ ban phối hợp với các cơ quan chức năng và các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên toàn quốc nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng được các nhà sản xuất cũng như các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ tôn trọng.

Mobile VerionPhiên bản di động